Tại sao mỗi sáng ta lại phải kéo lê mình ra khỏi giường thay vì sống cuộc đời ngập tràn niềm vui với hết trò chơi này đến hưởng thụ khác, động lực nào? Thật nực cười. Ta làm việc vì ta phải kiếm sống. Chắc chắn rồi, nhưng chỉ vậy thôi sao? Tất nhiên là không.
Khi bạn hỏi những người hài lòng với công việc rằng tại sao họ làm việc ấy, thì nhận được danh sách lí do dài và thú vị nhưng gần như tiền bạc không xuất hiện trong đó.
Tư tưởng của những nhà kinh tế học và triết gia chính trị, dù đúng dù sai, đều có sức mạnh hơn là người ta thường nghĩ. Thật vậy, chẳng có mảy may gì khác thống trị thế giới này. Những người thực tế tự tin là mình tư duy độc lập thường lại là nô lệ của một nhà tư tưởng quá cố nào đó.
JOHN MAYNARD KEYNES
Người nào hài lòng với công việc thì lao động say mê, họ làm việc quên mình. Tất nhiên không phải mọi lúc nhưng đó là đặc điểm dễ nhận thấy ở họ. Những người này được khơi gợi tình thần thử thách, công việc buộc họ phát huy khả năng, bước ra khỏi vùng an toàn. Họ làm việc với niềm vui, họ thật may mắn.
Còn gì nữa? Họ hài lòng với công việc bởi họ thấy có trách nhiệm, họ có quyền độc lập, tự quyết để giải quyết vấn đề và nâng cao năng lực bản thân. Với họ công việc là cơ hội để hòa nhập cộng đồng, họ cảm thấy cuộc sống thêm niềm vui khi là một phần của nhóm cùng làm những việc làm có ý nghĩa, hướng đến mục tiêu tốt đẹp.
Tất nhiên hầu như chẳng tồn tại công việc nào hội tụ đủ những yếu tố này, những yếu tố thôi thúc ta rời khỏi giường, làm việc ngoài giờ, nghĩ tới nó hầu như mọi lúc. Ta sẽ không làm việc nếu không được trả công nhưng đó không phải là lý do mấu chốt.
Mỗi sáng người ta lê bước đi làm mà trong lòng đã chết đi mầm mống ý nghĩa công việc mình làm, đã nguội lạnh lòng thiết tha hay phai tàn những cảm giác hứng khởi do được thử thách khả năng. Vì chẳng có lý do gì để làm việc ngoại trừ tiền, nên cuối cùng họ sẽ làm việc vì tiền.
BARRY SCHWARTZ
Với nhiều lý do để yêu mến như vậy nhưng tại sao công việc là nguồn khó chịu hơn là nguồn vui sướng với gần 90% người lao động. Tại sao trên thế giới hầu hết công việc lại ít có hoặc vắng bóng hoàn toàn những yếu tố này? Tại sao với hầu hết chúng ta công việc thật vô vị, chán nản và mệt mỏi? Bỏ qua nhu cầu ngủ tất yếu thì hầu hết người trưởng thành dành 1 nửa thời gian thức để làm những việc họ không muốn làm và ở những nơi họ không muốn ở.
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra mô hình đặc thù của công việc là sử dụng động cơ tiền bạc. Mô hình này vô tình hạn chế hoặc triệt tiêu các cơ hội nuôi dưỡng sự hài lòng phi vật chất tiềm năng, điều chính nó mới thúc đẩy nâng cao năng suất làm việc mạnh mẽ nhất. Trong những mô hình này, dù có cố gắng tìm kiếm ý nghĩa, thử thách và không gian để được tự quyết thì cuối cùng cũng phải đầu hàng trước điều kiện làm việc. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại dựng nên mô hình sai lầm đó? Chúng xuất phát từ những quan niệm sai lầm của các nhà kinh tế học và lan tỏa cả xã hội.
Con người ta vốn thích được sống sung sướng nhất có thể; và nếu tiền lương vẫn như vậy dù anh ta có làm việc chăm chỉ hay không, thì tất nhiên anh ta sẽ dần lơ là và lười biếng vì nó được cho phép.
ADAM SMITH, THE WEALTH OF NATIONS
Adam Smith tin vào sức mạnh đồng tiền nên ông đã hi sinh tất cả cảm xúc của người lao động để đổi lấy năng suất lao động, thứ là cốt lõi cho sự tồn tại phát triển của chủ nghĩa tư bản. Công việc được chuyên môn hóa, chia nhỏ ra thành nhưng thao tác đơn giản, vô nghĩa. Miễn là được trả lương đầy đủ còn người ta không quan tâm sản phẩm tạo ra là gì, miễn là số tiền đó xứng đáng thì công việc ra sao không phải là vấn đề.
Nhưng về thái độ và động lực làm việc của chúng ta Adam Smith đã nhầm!
Theo ” Vì sao chúng ta làm việc? ” – Barry Schwartz
4 Comments